Từng có một Mourinho ‘đặc biệt’ như thế…
Tên tuổi Mourinho tạo dựng cho bản thân trong những năm qua không phải là hư danh. “Người đặc biệt xuất chúng” ở khả năng phân tích đối phương bằng kỹ năng quan sát trời phú. Những thông tin được tiết lộ mới đây về các chỉ dẫn chiến thuật của ông, thời còn dẫn dắt Chelsea đối đầu với Barca ở Champions League mùa giải 2005/06, là minh chứng rõ rệt.
Lá thăm vòng 1/8 Champions League mùa giải 2005/06 đưa Chelsea gặp lại Barca. Một năm trước đó, cũng ở vòng đấu này, Chelsea đã đánh bại Barca với tổng tỷ số 5-4. Chiến thắng của Chelsea mang ít nhiều dấu ấn của thần may mắn. Ở lượt đi, họ mở tỷ số nhờ Belletti – sau này đầu quân cho chính Chelsea – đá phản lưới nhà.
Mourinho không muốn trông chờ vào phép màu. Vì vậy, ông và các cộng sự đã “mổ băng” đối thủ trong lần tái ngộ. Sau 13 năm, lần đầu tiên bí mật trong cuốn sổ tay của Mourinho được công khai trên internet.
Các ngôi sao bên phía Barca được mổ xẻ đến từng chi tiết nhỏ nhất. Điểm mạnh, điểm yếu của từng cầu thủ được liệt kê, từ đó chỉ ra đối sách thích hợp. Lối chơi, cũng như cách bố trí đội hình của Barca cũng được ghi chú cẩn thận.
Bản báo cáo về các cầu thủ Barca được tổng hợp lại thành 5 mục lớn: Tổ chức phòng ngự, tổ chức tấn công, bố trí đội hình trong những tình huống cố định, đánh giá cá nhân từng cầu thủ, ghi chú bên lề. Tất cả đều dày đặc chú thích, bao gồm cả những đề xuất giúp cầu thủ đưa ra quyết định bất ngờ tùy vào tình hình trên sân.
Mourinho không đánh giá cao hàng thủ Barca. Theo ông, 12 tháng sau thất bại trước Chelsea, Barca vẫn thường xuyên thủng lưới từ những lỗ hổng phòng ngự cơ bản. Ở hàng hậu vệ 4 người, các hậu vệ cánh, cũng như trung vệ thường dâng cao và sử dụng bẫy việt vị, nhưng họ rất hay “canh” sai thời điểm giăng bẫy. Mourinho lưu ý các cầu thủ tấn công chú ý đến những đường chuyền về cho Valdes để có thể tận dụng sai lầm, ghi những bàn thắng chớp nhoáng.
Ở hàng tứ vệ Barca, Mourinho chỉ ra Oleguer chính là mắt xích yếu nhất. Anh này mắc sai lầm như cơm bữa, phòng ngự lỏng lẻo, chạy không nhanh, chọn thời điểm xoạc bóng rất kém nên Chelsea có thể liên tục khoét sâu vào vị trí này. Puyol cũng bị đánh giá thấp về cảm nhận vị trí và thần thái chỉ đạo hàng thủ. Marquez đá tốt hơn khi được xếp ở hàng tiền vệ thay vì làm trung vệ. Sylvinho thậm chí còn bị chê “không biết phòng ngự”.
Mùa giải 2005/06, Barca thắng như chẻ tre với đội hình 4-3-3. Do đó, Mourinho dự đoán Frank Rijkaard vẫn sẽ sử dụng sơ đồ này khi tiếp đón Chelsea. Trong 3 tiền vệ trung tâm, Edmilson chơi thấp nhất, có sở trường là những đường chuyền dài vượt tuyến sang hai cánh. Deco và Van Bommel cực kỳ nguy hiểm trong khả năng gây áp lực lên đối phương. Iniesta được dự đoán là bài tẩy sẽ được tung vào trong hiệp 2.
Mùa 2005/06, khi gặp lại Barca của Messi, Mourinho đã có những đánh giá, phân tích cặn kẽ từng ngôi sao của đối thủ
Phía trên, Mourinho đặc biệt cẩn trọng với bộ ba Messi – Eto’o – Ronaldinho. “Rô vẩu” được đánh dấu đỏ, nghĩa là cầu thủ nguy hiểm nhất Barca sở hữu, đồng thời lưu ý “Cậu ta thường xuyên ăn vạ, ngã rất đẹp”. Eto’o có thể bùng nổ bất cứ lúc nào dù anh ta có bóng hay không. Trong khi ấy, Messi, được Mourinho đánh giá có lối chơi tương tự Ronaldinho, rất xuất sắc ở các tình huống một đối một và nếu phải phạm lỗi với Messi thì hãy phạm lỗi càng sớm, càng xa khung thành càng tốt.
Bên cạnh đó, Mourinho còn lưu ý Barca có thể được trọng tài ưu ái, thể hiện qua việc họ được hưởng 11 quả phạt đền, cũng như có 4 lần khiến đối phương phải nhận thẻ đỏ dù mùa giải mới đi qua 2/3 chặng đường. Các cầu thủ Barca thường xuyên ngã vờ – cả khi đứng trong lẫn ngoài vòng cấm địa – và thường nhắm đến những cầu thủ đối phương đã nhận thẻ vàng để buộc họ phải rời sân.
Linh tính của Mourinho về việc Chelsea đứng trước nguy cơ bị mất người hóa ra đã trở thành sự thật. Và có lẽ, đó là sai số duy nhất ông không thể sửa chữa. Chelsea chơi không tồi trước Barca trong trận lượt đi trên sân Stamford Bridge. Tuy nhiên, những tính toán của Mourinho bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì tấm thẻ đỏ của Del Horno cuối hiệp 1.
Đến trận lượt về, dù Messi gặp chấn thương và sớm phải rời sân ngay đầu hiệp 1 song Chelsea vẫn không thể lật ngược thế cờ trên sân Nou Camp. Phút 78, Ronaldinho ghi bàn, chấm dứt hy vọng giành vé đi tiếp của Chelsea. Bàn thắng trên chấm phạt đền của Lampard ở phút 90 là quá muộn để Chelsea có thể lật ngược thế cờ.
Kế hoạch lật đổ Barca không thành, song sự chuẩn bị kỹ càng với óc quan sát bậc thầy là những chất liệu làm nên tên tuổi của Mourinho. Ở những chặng đua đường dài còn lại, nơi các sai số được triệt tiêu tới mức tối đa, Chelsea của Mourinho thời hoàng kim là cỗ máy hủy diệt đúng nghĩa. Sau thất bại ở Champions League, họ quay trở lại mục tiêu tại đấu trường Premier League, bảo vệ thành công ngôi vô địch với thành tích bất bại trên sân nhà (thắng 18, hòa 1).
Terry, từ người hùng thành tội đồ
Mùa 2004/2005, John Terry (số 26) ghi bàn quyết định trong trận lượt về giúp Chelsea vượt qua Barca. Một năm sau, anh phản lưới nhà ở trận lượt đi giữa hai đội sau pha bóng lộn xộn từ tình huống đá phạt của Ronaldinho. Đây là một sai số khác Mourinho không thể tính tới, điều ông thừa nhận trên tờ Telegraph là “Khi mất người, hàng loạt biến cố xảy ra mà HLV và cả chính cầu thủ trên sân cũng không thể lường trước. Đó chính là phần hấp dẫn nhất của bóng đá”.