Guardiola: Kẻ ăn sẵn hay nhà cầm quân vĩ đại?
Sự nghiệp của Pep Guardiola có lẽ quá hanh thông khi chỉ dẫn dắt những đội bóng hùng mạnh nhất hành tinh. Nhiều người nghĩ và tin như vậy!
Man City đè bẹp Watford 6-0, qua đó hoàn tất cú ăn ba quốc nội. Có kẻ bật cười mỉa mai: “Ồ, bọn lắm tiền ấy lại đăng quang!”. Cay độc hơn, người khác đưa ra dự báo về kinh tế thế giới: “Giá dầu thôi sắp tới tăng cao đó, đội Man City vẫn chưa ăn được Champions League mà”.
Và tất cả nhìn về phía Pep Guardiola với thái độ xem thường: “Toàn chọn đội lắm tiền dẫn dắt, bảo sao chẳng một mớ danh hiệu”. Chuyện Man City lắm tiền thì miễn bàn rồi, vì sự thật là như vậy. Nhưng câu chuyện của Pep liệu đã thật sự công tâm?
Khi Pep Guardiola được bổ nhiệm làm HLV Barca, Barca đang ở hoàng hôn đế chế Ronaldinho chứ chẳng ai thấy đang ở bình minh đế chế Messi cả. Tiếp đến, ngày nay cả thế giới phải thừa nhận Xavi là một huyền thoại, một nhà triết học trên sân cỏ nhưng trước thời điểm Pep được bổ nhiệm tại Nou Camp, Xavi dù đã 27 nhưng làm gì đã vươn tới được tầm vóc khủng khiếp như sau này.
Thậm chí, giới quan sát còn đánh giá một trong những điểm yếu của Xavi là… chuyền hơi nhiều, nhất là chuyền ngang. Thế nên, bất quá Xavi chỉ được xem là dạng tiền vệ trung tâm có số má tại Tây Ban Nha. Iniesta lúc đó vẫn ở dạng tiềm năng, Pique chân ướt chân ráo trở về từ Manchester United.v.v…
Tập thể ấy thành công như thế nào, tạo ra thứ bóng đá đậm tính triết lý như thế nào không cần nhắc lại. Chỉ cần biết rằng, để phần nào đuổi kịp Barca của Pep, Real Madrid đã phải mời về Jose Mourinho và chi ra gần 400 triệu euro trong giai đoạn từ năm 2009-2011.
Xavi đã không vĩ đại như hôm nay nếu không có Pep
Chuyển sang Bayern Munich, Guardiola kế thừa một tập thể hùng mạnh vừa “ăn ba” dưới sự dẫn dắt của HLV Jupp Heynkes. Rốt cuộc, 3 năm tại Allianz Arena, ông không lần nào vô địch Champions League mà chỉ loanh quanh ăn quẩn Bundesliga và Cúp Quốc gia Đức. Nếu nhìn vào kết quả để phán xét thì là như vậy, nhưng nếu mở rộng tầm quan sát bằng kiến thức sẽ thấy dấu ấn của Pep tại Bayern lớn lao như thế nào.
Thứ nhất, Bayern của Pep không phảng phất dư âm gì từ Bayern của Heynckes. Bayern của Heynckes chơi thứ bóng đá counter-pressing chớp nhoáng còn Bayern của Pep làm chủ trái bóng, biến hóa khôn lường. Biến hóa khôn lường theo đúng nghĩa đen bởi giai đoạn dẫn dắt Bayern, Pep đã sử dụng trên chục sơ đồ chiến thuật khác nhau.
Dùng hai hoặc ba sơ đồ thành thục đã khó, dùng được hơn 10 sơ đồ là chuyện vô cùng khó tin. Tất nhiên, chẳng ai trao danh hiệu cho nỗ lực dày công nghiên cứu và huấn luyện ấy của Pep. Họa hoằm người ta nhớ Pep từng đưa Bayern đăng quang Bundesliga vào tháng 4, điều chưa từng xảy ra trong suốt lịch sử.
Và bây giờ ở Man City, Guardiola tiếp tục nâng tầm đội bóng này bằng kiến thức sâu rộng và sự dấn thân. Hãy để ý, Man City dưới thời Pep không nhắm tới những sao số lẫy lừng trị giá trên dưới 100 triệu bảng như cách M.U chiêu mộ Pogba và Lukaku, Juventus ký hợp đồng với Ronaldo, Real đang nhắm Hazard hay PSG mua Neymar hoặc Mbappe, hay Barca đưa Coutinho về Nou Camp .
Những cầu thủ Guardiola chiêu mộ luôn khống chế ở mức 50 triệu bảng dẫu Man City thừa sức chi 100 triệu bảng. Nguyên do là Pep chỉ cần có thể. Như một kiến trúc sư, chỗ cần đặt viên gạch thì chẳng cần đến hòn đã tảng. Việc đầu tiên là phải tạo ra kết cấu vững vàng trong phòng ngự lẫn tấn công rồi mới tính tới chuyện trang trí.
Thành công của Pep không đơn giản mà có
Và Man City của Pep vững vàng tới nỗi 2 mùa vừa qua giành tổng cộng 198 điểm tại đấu trường Ngoại hạng Anh, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Riêng trận chung kết FA Cup đêm qua, điều khiến người ta trầm trồ nhất về Man City lại không phải khả năng kiểm soát bóng mà chính là couter-pressing (pressing sau khi mất bóng). 17 tình huống chiến thắng trong tranh chấp tay đôi, 22 lần đoạt bóng thành công là dẫn chứng.
Bóng đá là môn thể thao tập thể nhưng bóng đá lại là trò chơi của khoảnh khắc. Chỉ một tích tắc có thể biến một con người trở thành người hùng hoặc tội đồ. Thế nên, bóng đá luôn đề cao những ngôi sao, những người chỉ cần một tích tắc để thay đổi toàn bộ cục diện trận đấu nhờ sự vượt trội về phẩm chất, kỹ năng hay tư duy.
Tuy nhiên, trận đấu có 90 phút và một huấn luyện viên không thể chỉ ngồi ngoài sân chờ đợi ngôi sao tỏa sáng. Một nghiên cứu chỉ ra, mỗi cầu thủ trung bình mỗi trận cầm bóng 3 phút, như vậy trung bình mỗi đội bóng cầm bóng khoảng 40 phút. Thời gian còn lại bóng lơ lửng không trung hoặc trong chân cầu thủ đối phương.
Nhiệm vụ của Pep là kiểm soát cả 90 phút ấy không phải bằng ngôi sao mà bằng kết cấu tập thể. Bởi vậy, nhìn quanh nhìn quẩn, Man City dù đội hình toàn sao nhưng thực ra không ai là không thể thay thế. Dù là Kevin De Bruyne, ngôi sao sáng nhất mùa trước và vắng mặt ở mùa này vì chấn thương hay Sergio Aguero, chân sút chủ lực trong 5 năm liền.
Tuy nhiên, dám chắc Man City sẽ rơi vào cơn quẫn trí như Barca hay Bayern đã trải qua nếu Pep ra đi. Cái tài và cái tầm của nhà cầm quân người Tây Ban Nha vậy mà không ít người không thể nhận ra.