Bên trong căn hầm từng là xưởng in tuyệt mật giữa Sài Gòn

Posted by: admin Category: Độc Lạ Comments: 0 Post Date: 18/08/2019

Bên trong căn hầm từng là xưởng in tuyệt mật giữa Sài Gòn

Tọa lạc tại số 122/8-10 Ngô Gia Tự, phường 9, quận 10, TP.HCM, cơ sở in ấn của Hội Ủng hộ vệ quốc đoàn năm 1954 (còn gọi là Hầm B) là điểm thăm quan đặc sắc dành cho du khách trong và ngoài nước. 

Cơ sở in ấn của Hội Ủng hộ vệ quốc đoàn năm 1954 (còn gọi là Hầm B) nằm trong con hẻm nhỏ đường Ngô Gia Tự, quận 10, TP.HCM. Đây là nơi in ấn, sao lưu tài liệu tuyên truyền cách mạng thời kháng chiến chống Pháp.

Đầu năm 1952, việc xây hầm bắt đầu được thực hiện tại nhà 122/351 Minh Mạng (nay là 122/8-10 Ngô Gia Tự). Hầm được xây bên trong một căn nhà gỗ, lợp lá, diện tích khoảng 62 m2. Ngôi nhà được thiết kế ngăn đôi, một bên để ở và đào hầm, một bên là cơ sở làm đàn để ngụy trang.

Sơ đồ căn hầm bí mật ngày nay dành cho du khách tham quan theo dõi.

Loading...

Khi bước vào gian nhà, nếu không có sự hướng dẫn của người trông coi di tích, du khách tưởng chừng đây chỉ là một nơi sinh hoạt của gia đình bình thường. Thế nhưng khi mở cánh cửa tủ, một bất ngờ xuất hiện.

Ông Hồng Lộc, người trông coi khu di tích mở cánh tủ và đẩy miếng chắn sang bên. Bên kia là một cầu thang bí mật, dẫn xuống căn hầm dưới lòng đất.

Một đường hầm cùng cầu thang nhỏ được mở ra từ đáy chiếc tủ gỗ.

Bên trong căn hầm tái hiện lại hoạt động in ấn tài liệu tuyên truyền của Hội Ủng hộ vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Theo các tư liệu lịch sử, kết cấu căn hầm gồm hầm chính và hầm phụ cùng hệ thống địa đạo vừa đủ một người chui. Hầm chính dài 3,5 m, ngang 3,2 m, cao 1,7 m, độ dày nóc hầm 1,8 m. Hầm được xây dựng rất công phu bởi có thả đà chịu lực bên trên nóc. Tường và nền trát xi-măng chống thấm.

Khi hầm hoàn thành, các hội viên nòng cốt luôn túc trực dưới hầm theo dõi tin tức thu từ đài phát thanh Hà Nội để biên tập lại. Sau đó, bản tin được in thành truyền đơn tung ra khắp nơi hoặc hoặc sao chép thành tài liệu học tập nhằm phổ biến trong nội bộ.

Đến cuối năm 1957, một cơ sở của hội trong nội thành bị địch phát hiện nên mọi liên hệ với Hầm B được cắt đứt. Trước tình hình căng thẳng, Đặc khu Sài Gòn – Gia Định quyết định giải thể Ban ấn loát tại căn hầm này. Ban quản trị Hội thống nhất ý kiến lấp hầm. Tuy nhiên phương án dùng đất khó thực hiện nên phải dùng khạp (lu da bò) để lấp hầm.

Bên ngoài gian nhà còn có một giếng nước được đào cách hầm 2 m, mục đích dùng làm lỗ thông hơi nối với đường hầm.

Máy đánh chữ từng được các hội viên sử dụng để viết, ghi chép các tài liệu tuyên truyền trong những năm kháng chiến.

Chiếc máy được sử dụng để sao lưu tài liệu, truyền đơn.

Dụng cụ làm đàn dùng để ngụy trang được trưng bày tại khu di tích.

Ông Lộc giới thiệu những khung đàn guita dùng để che mắt địch trong những năm xưởng in hoạt động bí mật.

Dụng cụ đào hầm được trưng bày tại khu di tích.

Hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ từng tham gia hoạt động cách mạng tại xưởng in ấn trong hầm B.

Sau năm 1975, công trình trùng tu di tích từng bước triển khai. Toàn bộ khạp da bò dưới hầm được mang lên. Đến năm 1988, Hầm B được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày nay, hầm là điểm tham quan đặc sắc dành cho du khách trong và ngoài nước. Hầm B mở cửa phục vụ du khách miễn phí từ thứ Ba đến thứ Bảy hằng tuần.

Loading...